Việt Nam đứng đầu ASEAN về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động 1-2 năm tới, chỉ hơn 2% doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc rời đi.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) vừa công bố báo cáo khảo sát từ 4.600 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại gần 20 thị trường nước ngoài, trong đó có 700 doanh nghiệp ở Việt Nam. Khảo sát được thực hiện từ 25/8 đến 24/9, trùng với khoảng thời gian Việt Nam áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt.
Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 55% trong số 700 doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam 1-2 năm tới. Hơn 42,5% doanh nghiệp dự kiến duy trì ở quy mô hiện tại.
Định hướng phát triển kinh doanh 1-2 năm tới của doanh nghiệp Nhật Bản. Nguồn: Jetro
Dù từng có lo ngại Việt Nam “mất điểm” trong mắt các doanh nghiệp FDI do khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt, thực tế chỉ có 2% doanh nghiệp Nhật muốn thu hẹp hoạt động và chưa đến 0,5% doanh nghiệp có ý định chuyển sang quốc gia khác.
Tại họp báo sáng nay (19/1), ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam có giảm so với trước dịch. Nhưng theo ông đây là xu thế chung tại các thị trường khác – không riêng Việt Nam – do những tác động của Covid-19. Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng sản xuất luôn duy trì ở mức cao hơn mặt bằng khu vực ASEAN.
Việc mở rộng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận sự dịch chuyển từ các mặt hàng đa năng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong lĩnh vực chế tạo. Còn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phi chế tạo chú trọng hơn đến bán hàng tại thị trường Việt Nam, như một giải pháp thích nghi với chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì dịch Covid-19.
Lợi thế lớn nhất khiến Việt Nam luôn trong top các nước được doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động là nhờ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thị trường ghi điểm trong mắt doanh nghiệp nhờ chất lượng nhân công.
Theo khảo sát của Jetro, trong khi “chất lượng lao động” đều là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường khác, họ lại không đề cập đến vấn đề này tại thị trường Việt Nam. “Doanh nghiệp Nhật đánh giá cao chất lượng người lao động tại Việt Nam”, ông Takeo Nakajima nói.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội. Ảnh: MPI
Hiện nay, chuyển đổi số đang tạo nên sự cạnh tranh nguồn nhân lực về kỹ sư giữa các nước. Điều này khiến các doanh nghiệp đang chịu đồng thời áp lực vừa thiếu lao động tạm thời do Covid-19, vừa tiền lương gia tăng. Việt Nam cũng là nước luôn có tỷ lệ tăng lương ở mức cao nhất trong các nước ASEAN.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật ngày càng đánh giá cao về hệ thống pháp luật minh bạch và thủ tục hành chính của Việt Nam. Nhưng điểm số về vấn đề này giảm mạnh trong hai năm 2020 và 2021, theo Jetro có thể do tác động từ các quyết sách chống dịch.
“Chúng tôi hiểu đó là những giải pháp ngắn hạn để chống dịch, về mặt dài hạn, doanh nghiệp kỳ vọng có sự cải thiện do chính phủ chỉ đạo”, ông Takeo Nakajima chia sẻ.
Tại họp báo, ông Takeo Nakajima cũng thông tin thêm về 39 doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam, nằm trong chương trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật Bản.
“Cũng lưu ý, phần lớn doanh nghiệp này không phải là doanh nghiệp mới, mà đã có mặt tại Việt Nam từ trước và muốn dịch chuyển dây chuyển sản xuất từ thị trường khác sang Việt Nam”, ông cho biết. Chương trình này đòi hỏi thời gian để triển khai và các doanh nghiệp đang bắt đầu ở bước đầu tư trang thiết bị.
Ông Takeo Nakajima cũng thông tin theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các khoản đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong năm nay phần lớn đến từ đầu tư mở rộng. Số lượng doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam là không nhiều, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh thế giới khó lường như hiện nay.
Nguồn: VnExpress