Rườm rà và phức tạp trong thành lập doanh nghiệp gây trở ngại không đáng quá trình tham gia vào thị trường, tác động cơ hội kinh doanh và giảm nhiệt huyết của nhà đầu tư. Do đó, trong công cuộc phát triển kinh tế, sửa đổi thủ tục đăng ký doanh nghiệp nhằm hợp lý hóa quá trình “khai sinh” doanh nghiệp và hỗ trợ nhà đầu tư luôn được Nhà nước ưu tiên. Việc Chính phủ ban hành Nghị định đầu tiên của năm 2021 (“Nghị định 01/2021”) là về đăng ký doanh nghiệp thay thế Nghị định 78/2015/NĐ-CP sửa đổi năm 2018 tiếp tục thể hiện định hướng đó, cùng một số “tin vui” mới đáng chú ý cho nhà kinh doanh.
Mã số doanh nghiệp không chỉ là mã số thuế, mà còn mã số tham gia bảo hiểm xã hội
Trước đây, mã số doanh nghiệp và mã số thuế đã được gộp làm một. Với quy định mới, công tác đơn giản hóa có thêm bước tiến bằng việc gộp chung cả mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội. Từ nay, doanh nghiệp chỉ cần “nhớ” một dãy số định danh duy nhất khi làm việc với cơ quan quản lý doanh nghiệp, thuế hay bảo hiểm. Ngoài ra, Nghị định 01/2021 cũng gộp mã số chi nhánh, văn phòng đại diện và mã số thuế của đơn vị đó.
Sẽ không phải nộp hồ sơ giấy khi đăng ký doanh nghiệp qua mạng
Trước đây, sau khi đăng ký qua mạng và được thông báo, trong vòng 30 ngày, doanh nghiệp phải nộp thêm hồ sơ giấy để cơ quan đăng ký đối chiếu thống nhất với bản điện tử trước khi cấp chính thức Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều này nhằm ngăn chặn giả mạo giấy tờ, nhưng cũng làm thủ tục phức tạp không cần thiết.
Do đó, với quy đinh mới, yêu cầu nộp hồ sơ giấy đối chiếu được bãi bỏ hoàn toàn. Không chỉ đơn giản hóa thủ tục, đây còn là biểu hiện chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử thân thiện hơn với doanh nghiệp.
Không đồng ý quyết định từ chối đăng ký tên dự kiến, doanh nghiệp có thể khởi kiện
Pháp luật doanh nghiệp đưa ra những yêu cầu nhất định đối với tên doanh nghiệp, chẳng hạn không được gây nhầm lẫn, xâm phạm thương hiệu hay vi phạm thuần phong mỹ tục. Cơ quan nhà nước sẽ đánh giá và có thể từ chối tên doanh nghiệp dự kiến đăng ký. Quy định cũ tuyên bố đây quyết định cuối cùng, không thể phản đối.
Nghị định 01 chỉ ra con đường mới cho doanh nghiệp không đồng ý với ý kiến trên: khởi kiện hành chính. Điều này làm rõ một quyền cơ bản và chính đáng của doanh nghiệp, đảm bảo quyết định của cơ quan đăng ký được đánh giá một cách độc lập, khách quan và đa chiều theo thủ tục tố tụng.
Hoàn phí công bố nếu không được đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải nộp sẵn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (hiện nay là 100.000VNĐ) trước khi nhận kết quả từ cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trước đây, nếu không được đăng ký, pháp luật không quy định rõ doanh nghiệp có được hoàn trả lại phí công bố trên hay không.
Do đó, Nghị định 01 làm rõ một cách hợp lý rằng khi đó, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả lại phí công bố. Quy định mới góp phần xóa bỏ những khoảng trống gây lúng túng trước đây, tạo thuận lợi và hướng đến bảo đảm lợi ích, dù không nhiều nhưng chính đáng, của nhà đầu tư.
Nguồn: https://luatviet.com