1. Hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh
Bộ Y tế vừa có Công văn 8228/BYT-MT ban hành ngày 30/9/2021 hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo triển khai quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh (CSSXKD) như sau:
– Thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
– Thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động
– Kỹ thuật xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test kháng nguyên nhanh.
– Kết quả xét nghiệm phải được báo cáo ngay cho Trung tâm y tế cấp huyện nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng chân
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng Test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.
2. Người lao động được miễn đóng BHYT đến tháng 01/2022
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công văn đồng ý với đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động được miễn đóng vào Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất miễn đóng BHYT cho người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người nghỉ việc không hưởng lương tại các đơn vị, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước để phòng, chống Covid-19.
Thời gian miễn đóng vào Quỹ BHYT tối đa là 08 tháng tính từ tháng 6/2021 đến tháng 01/2022.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đồng ý với chính sách duy trì thẻ BHYT cho người lao động bị mất việc trong thời gian tối đa 08 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng chính sách này, người lao động phải có thời gian tham gia BHYT đủ 02 năm liên tục trở lên trước thời điểm bị mất việc.
3. Nhiều chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chính phủ ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 15-10.
Trong đó, có thể kể đến một số chính sách đáng chú ý như: Tăng mạnh mức hỗ trợ tư vấn DN nhỏ và vừa: DN siêu nhỏ được hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/DN (trước đây chỉ tối đa 3 triệu đồng); DN nhỏ không quá 100 triệu đồng/năm/DN (trước đây, không quá 5 triệu đồng)…
Thêm chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ: hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn (không quá 70 triệu đồng/năm/DN) với DN siêu nhỏ; với DN nhỏ, mức hỗ trợ là 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/DN.
4. Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 vì Covid-19
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, đề xuất giảm thuế TNDN được quy định như sau:
– Về đối tượng áp dụng, dự thảo đề xuất áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm:
+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
– Về mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo nêu rõ:
+ Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp quy định nêu trên có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019.
+ Không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.